Bộ sưu tập những món bánh nằm trong lá ngon vô đối
Bộ sưu tập những món bánh nằm trong lá ngon vô đối, 48720, Nguyễn Thu Hương Blog MuaBanNhanh
Từ thời xưa, người Việt đã tận dụng những chiếc lá chuối, lá dừa cho ẩm thực bằng cách gói thật chặt nguyên liệu vào bên trong các lớp lá và nấu chúng lên. Thật tuyệt vời vì không chỉ biến những nguyên liệu rời rạc thành chiếc bánh hoàn chỉnh, chắc chắn, mà chúng còn được ướp hương thơm rất đặc biệt từ lá chuối, lá dừa trong quá trình nấu. Cho đến ngày nay, công thức bánh gói trong lá độc đáo này vẫn được gìn giữ và phát huy như một nét văn hóa độc đáo khó phai của nền ẩm thực Việt Nam.
1. Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng vuông vức tượng trưng cho mặt đất.
Bánh tét - phiên bản Nam Bộ của bánh chưng.
Không người Việt Nam nào mà lại không biết đến món bánh nổi tiếng này và hầu như cũng rất hiếm có người không thích chúng. Bước ra từ câu chuyện cổ tích, là vật phẩm tiến vua, bánh chưng, bánh tét thấm đẫm những tinh túy đất trời và cả hồn Việt.
Dù người lớn hay trẻ nhỏ, cứ độ Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui sum họp gia đình và chào đón một năm mới với bao điều may mắn, người Việt còn rất mong đợi khoảnh khắc mở từng lớp lá của bánh chưng, bánh tét, để rồi mùi thơm của gạo nếp chín hòa với mùi lá chuối cứ vây xung quanh. Bánh chưng, bánh tét chấm với nước mắm ngon, ăn kèm củ kiệu, dưa chua thì ra dáng Tết biết bao nhiêu.
2. Bánh nậm
Không biết từ bao giờ, người Việt Nam, dù ở bất cứ vùng miền nào đều đã phải lòng món bánh mỏng được gói trong lá chuối có cái tên là lạ: bánh nậm. Bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, mặt bằng hình chữ nhật, lát mỏng thanh thanh, kèm với chả tôm, trở thành một món ăn độc đáo, hòa hợp giữa cách ăn bình dân và quý tộc. Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một.
3. Bánh ít
Trong kí ức của nhiều người Việt, bánh ít là một món quà mà đứa trẻ nào cũng háo hức ngóng đợi mỗi lần mẹ đi chợ về. Bánh ít được làm từ bột nếp và bột đậu xanh với phương pháp hấp cách thủy, nhân bánh được xào chín trước khi gói cẩn thận bằng lá gai hoặc lá chuối tơ.
Chiếc bánh ít hình tam giác nằm gọn trong lòng bàn tay, khi mở từng lớp lá và cắn thật vội vào lớp bột dai dai còn nóng, cảm nhận nhân thịt thơm ngon đến ngất ngây hòa quyện với mùi bột là một trải nghiệm tuổi thơ mà nhiều người luôn muốn tìm về.
4. Bánh lá dừa
Về miền Tây, bạn sẽ bắt gặp những người bán hàng rong với các xâu bánh thon dài màu vàng. Đó chính là bánh lá dừa -đứa con cưng của miền Tây Nam Bộ.
Tuy bánh lá dừa nhỏ bé là vậy nhưng để làm thật ngon thì không đơn giản chút nào đâu. Gạo phải là loại nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho thấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch. Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Còn phần nhân có thể là cơm dừa băm nhuyễn, trộn đậu xanh, thêm chút muối hoặc chỉ đơn giản là chuối ướp đường.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân, tạo thành món ăn không thể quên.
5. Bánh tẻ
Là một món quà quê đậm chất Bắc Bộ, bánh tẻ nhẹ nhàng đi vào lòng người yêu ẩm thực bởi sự đơn giản nhưng vẫn tinh tế của mình. Bánh tẻ giòn do làm từ bột tẻ, chứ không dai hay mềm như bánh giò. Nhân bánh thì không nhiều là bao nhưng vẫn điểm xuyết nhẹ nhàng. Đặc biệt mùi thơm của lá dong ngấm vào từng chiếc bánh, khoác lên lớp bột tẻ một màu xanh hấp dẫn vô cùng.
Cắn từng miếng bánh, chúng ta có thể cảm nhận rõ mùi thơm từ thịt và mộc nhĩ tỏa ra thật nhẹ, bên ngoài là lớp bột giòn giòn, kết hợp sự quyến rũ đặc biệt của lá dong.
6. Bánh bột lọc
Trong nền ẩm thực Việt Nam, một trong những món bánh gói trong lá nổi tiếng nhất phải kể đến chính là bánh bột lọc Huế - “gốc gác” của các loại bánh bột lọc khác. Bánh bột lọc ở Huế có 2 loại: bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Mỗi loại có cách chế biến cầu kì riêng để tạo nên hương vị độc đáo trong cái dai giòn và nhân tôm đậm đà, chỉ cần ngửi thôi cũng thấy thèm.
7. Bánh phu thê
Không giống như những loại bánh gói trong lá của Việt Nam, bánh phu thê không có được mùi thơm của chiếc lá bọc quanh nó. Tuy nhiên, không vì vậy mà bánh phu thê kém đặc biệt hay thơm ngon. Bánh phu thê qua hàng trăm năm, vẫn âm thầm thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình: nhân chứng cho tình yêu vĩnh cửu của đôi lứa.
Vị thơm ngọt của đậu xanh, hương bưởi nồng nàn, dai giòn bột lọc, sần sật, béo ngậy của dừa là nét đặc trưng của bánh phu thê. Với hình dáng vuông vức, bánh phu thê mang ý nghĩa vuông tròn, tượng trưng cho sự viên mãn - trăm năm hạnh phúc của đôi lứa, thường được sử dụng một cách trang trọng trong đám cưới.
8. Bánh ú
Bánh ú, còn được gọi là bánh bá trạng, là một loại bánh người Việt dùng để cúng tổ tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ. Được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, bánh ú là một món dân dã với những nguyên liệu như nếp, đậu phộng, nấm đông cô, đậu xanh, lạp xưởng, trứng vịt muối, thịt mỡ, tôm khô. Hao hao giống bánh ít, bánh ú cũng là một món bánh nằm trong lá không thể thiếu của người Việt Nam.
Theo Yan News
Nguyễn Thu Hương Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.