Tài xế khách sạn làm hỏng xe của khách, công ty bảo hiểm hay chủ khách sạn phải bồi thường?
Tài xế khách sạn làm hỏng xe của khách, công ty bảo hiểm hay chủ khách sạn phải bồi thường?, 86089, Sở Hữu Trí Tuệ, Đăng Ký Nhãn Hiệu, Kiểu Dáng, Bằng Sáng Chế, Đăng Ký Logo Blog MuaBanNhanh
(Hình minh họa)
Hai cấp tòa ở Cà Mau vừa xét xử một vụ án dân sự có tình tiết khá hy hữu. Tài xế của khách sạn lái ô tô của khách ra vào nhà xe, không may va quẹt vào tường gây hỏng phần đầu xe, gây thiệt hại 270 triệu đồng.
Tòa sơ thẩm cho rằng xe có mua bảo hiểm vật chất nên bảo hiểm phải "gánh" hết. Tòa phúc thẩm lại cho rằng phía chủ khách sạn phải chịu vì tài xế của khách sạn làm hỏng xe thì không thể buộc công ty bảo hiểm chi trả phí này.
Đơn giản mà rối
Theo hồ sơ vụ án, chị Phan Thiên Ngân và cha là ông Phan Ngọc Thuấn đến khách sạn Hoàng Gia, phường 5, TP Cà Mau thuê phòng nghỉ. Ông Thuấn đã đưa chìa khóa ô tô năm chỗ hiệu Mazda (xe do chị Ngân đứng tên) cho khách sạn để đưa xe vào nhà xe.
Sáng 23-6-2017, trong lúc điều khiển xe này ra vào nhà xe, tài xế của khách sạn đã vô ý đụng vào cột bê tông của khách sạn kế bên làm hỏng phần đầu xe.
Phía chủ khách sạn Hoàng Gia đã đưa xe chị Ngân về Sài Gòn sửa chữa và chấp nhận một số chi phí khác theo yêu cầu của chị Ngân, tổng cộng khoảng 12 triệu đồng.
Do có mua bảo hiểm thân xe nên sau đó chị Ngân đã được Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành bồi thường toàn bộ chi phí sửa xe là 270 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành khởi kiện buộc phía chủ khách sạn Hoàng Gia bồi thường khoản tiền này lại cho mình theo quy định về trách nhiệm bồi thường của người thứ ba, quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
Tình huống tưởng đơn giản nhưng các cơ quan tố tụng ở Cà Mau đã có những quan điểm khác nhau và vụ việc cũng gây xôn xao trong giới tài xế.
Xử sơ thẩm, TAND TP Cà Mau đồng quan điểm với VKS không buộc phía khách sạn Hoàng Gia bồi thường. Tại phiên phúc thẩm, VKS tham gia tố tụng cũng đồng quan điểm như ở cấp sơ thẩm nhưng TAND tỉnh Cà Mau đã ra phán quyết tuyên buộc Hoàng Gia phải bồi thường lại cho Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành toàn bộ chi phí sửa xe 270 triệu đồng.
(Hình minh họa)
Các lập luận đều… có lý (?)
Án sơ thẩm của TAND TP Cà Mau tuyên bác toàn bộ yêu cầu của Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành, tiếp tục giữ lập luận: Tài xế khách sạn Hoàng Gia có giấy phép lái xe. Quá trình điều khiển chiếc xe của chị Ngân đã được làm rõ là trong phạm vi nhiệm vụ của anh được khách sạn giao, tức điều xe ra vào nhà xe, không vượt ngoài phạm vi nhiệm vụ. Đồng thời, phía Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành cũng đã xác định tình huống gây hỏng xe không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và đã bồi thường thiệt hại cho chị Ngân xong, đúng với nội dung trong hợp đồng bảo hiểm thân xe giữa hai bên.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm cũng lập luận không thể xem tài xế của khách sạn là bên thứ ba gây thiệt hại cho xe chị Ngân theo quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm vì tài xế này lái xe của chị Ngân theo ủy nhiệm.
Tài xế khách sạn phải bị trừ lương 15 năm mới hết nợ
Ông Nguyễn Đình Nhân, chủ khách sạn Hoàng Gia, cho biết theo hợp đồng, tài xế của khách sạn phải chịu mọi thiệt hại nếu điều xe khách gây hư hỏng. Từ đó, ông đang rất cân nhắc có buộc tài xế này bồi thường hay không. Vì nếu trừ lương tài xế này 2 triệu đồng/tháng thì phải trừ đến 15 năm mới đủ số tiền 270 triệu đồng.
Không đồng tình, Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, xét xử vào ngày 18-9 mới đây, phía Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành giữ nguyên yêu cầu đề nghị khách sạn Hoàng Gia phải bồi hoàn tiền sửa xe. Chủ khách sạn Hoàng Gia thì cho rằng nếu tài xế của mình lái một chiếc xe khác đụng vào, xe chị Ngân không mua bảo hiểm hoặc tài xế của mình không đủ điều kiện lái xe thì mới chấp nhận bồi thường thiệt hại.
Ở phiên phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Cà Mau đề nghị bác yêu cầu của Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành vì các lý do: Tài xế của khách sạn là người lái chính chiếc xe nên không thể xem anh là bên thứ ba có lỗi gây thiệt hại tài sản của chị Ngân. Anh này đủ điều kiện lái xe và lỗi va chạm gây hỏng xe là không cố ý nên thuộc trường hợp bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng không thể chấp nhận việc tài xế của khách sạn gây thiệt hại về tài sản nhưng lại buộc phía công ty bảo hiểm chịu, đó là trái với luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại các điều 584, 585 và 589 BLDS 2015. Từ đó tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành, buộc chủ khách sạn Hoàng Gia phải bồi hoàn tiền sửa xe.
Ngày 1 và 2-10, chúng tôi nhiều lần liên hệ điện thoại bàn của Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành, các nhân viên chuyển máy đến ông Bùi Lê Dũng - Giám đốc nhưng đều được báo là đã đi ra ngoài hoặc không bắt máy. Người đại diện cho Bảo hiểm PVI Bến Thành trong vụ án này cũng cho biết là không có thẩm quyền trả lời.
Khách sạn không phải bồi thường
Theo luật sư Lê Trung Phát và luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong vụ này tòa sơ thẩm đã xử đúng. Tài xế của khách sạn có bằng lái đủ điều kiện để lái xe, thực hiện công việc theo quy định của khách sạn, do đó không phải là đối tượng để xem xét đến vấn đề bồi thường, hành vi của anh ấy chỉ xem xét ở khía cạnh "yếu tố lỗi". Tòa phúc thẩm đã xác định sai chủ thể thứ ba. Bởi tài xế điều khiển xe là đang thực hiện công việc theo sự ủy nhiệm của chủ sở hữu xe, là tổng thể của một đối tượng được bảo hiểm. Xe không thể tự chạy nếu không có tài xế. Luật Giao thông đường bộ và Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không buộc chủ xe phải tự làm tài xế. Vì thế, PVI Bến Thành bắt buộc phải bồi thường thiệt hại cho hợp đồng đã ký với phía chị Ngân.
Tòa phúc thẩm áp dụng các điều 584, 585, 589 BLDS 2015 để buộc khách sạn Hoàng Gia phải bồi thường là áp dụng không đúng quy định. Vì nếu cho rằng tài xế là người của pháp nhân khách sạn thì phải áp dụng các điều 597, 600 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân hoặc người làm công gây ra. Tuy nhiên, việc áp dụng này chỉ đúng khi xác định đúng chủ thể là người thứ ba.
Phiên tòa phúc thẩm đã xác định sai đối tượng để xác định trách nhiệm bồi thường trong vụ án này, xác định sai nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.
Khách sạn phải bồi thường
Ngược lại, một thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, luật sư Lê Thị Thu Hường và luật sư Lê Văn Hoan (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) lại đồng tình với phán quyết của tòa phúc thẩm.
Các chuyên gia luật này cho rằng thuật ngữ "người thứ ba" trong Luật Kinh doanh bảo hiểm được hiểu là tất cả các bên không phải là chủ thể của hợp đồng bảo hiểm. Mà chủ thể của hợp đồng bảo hiểm ở đây là giữa chủ xe và Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành. Do đó, trong vụ việc này, bên thứ ba chính là khách sạn Hoàng Gia. Việc tài xế điều khiển xe của chủ xe vào nhà xe của khách sạn là thực hiện công việc do khách sạn giao chứ không phải là do chủ xe giao. Việc chủ xe giao chìa khóa cho tài xế của khách sạn chỉ là hành vi nhằm thực hiện hợp đồng lưu trú tại khách sạn chứ không liên quan gì đến hợp đồng bảo hiểm.
Việc tài xế là người của khách sạn (tức của pháp nhân) trong khi thực hiện công việc do khách sạn giao mà gây thiệt hại thì khách sạn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 597 BLDS 2015.
Do đó, căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 17 và Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì do công ty bảo hiểm đã thực hiện việc bồi thường cho chủ xe nên người thứ ba là khách sạn phải hoàn trả cho công ty bảo hiểm. Tiếp đó, khách sạn có quyền yêu cầu tài xế gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
(Hình minh họa)
Bên cạnh đó nhiều bạn đọc cũng đưa ra bình luận:
"Lúc có tai nạn, hảng bảo hiểm của chủ xe sẽ trả trước để bảo vệ chủ xe, sau đó sẽ gởi hồ sơ đến khách sạn đòi tiền. Khach sạn sẽ chuyển cho hảng bảo hiểm của mình để nó thanh toán trực tiếp cho hảng bảo hiểm của chủ xe.
Khi khách sạn kinh doanh dịch vụ gởi xe vào bải đậu (valet parking) với nhân viên của khách sạn, thì khách sạn phải mua bảo hiểm cho các xe của khách hàng trong thời gian xe hoạt động tại khách sạn trong bãi gởi xe!" - Minh chia sẻ.
Trần Bá Học bình luận:
"Trước tiên, chúng ta phải xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là gì để đi đến nhận định một cách chính xác. Theo tôi, đây là một vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và luật áo dụng để giải quyết là Bộ luật dân sự. Như vậy, nguyên đơn đi khởi kiện phải chứng minh được thiệt hại xảy ra cho mình là do phía bị đơn (Khách sạn) gây ra thì sẽ được chấp nhận yêu cầu. Trái lại, nếu không chứng minh được thì sẽ bác yêu cầu khởi kiện.
Với những dữ kiện nêu trên, hợp đồng bảo hiểm với chủ xe chỉ là điều kiện cần để khởi kiện còn điều kiện đủ để thắng kiện là bảo hiểm phải chứng minh thiệt hại của mình là do khách sạn gây nên. Ngoài ra, "người thứ ba" được hiểu là bất cứ người nào (theo tinh thần luật) ngoài người ký hợp đồng bảo hiểm với mình chứ không thể hiểu là khách sạn hay nhân viên khách sạn. Nhưng trong trường hợp này "người thứ ba" được hiểu là khách sạn thì mới đúng đối tượng khởi kiện và đảm bảo luật áp dụng. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc khởi kiện của bảo hiểm là đúng và khách sạn phải có trách nhiệm bồi thường số tiền nêu trên cho bảo hiểm."
"Cái mấu chốt ở đây là mục đích của bảo hiểm thân vỏ là gì, tai nạng, va quẹt hay tự làm hư xe, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm thân vỏ dùng để xảy ra tai nạng thì bên bảo hiểm phải đền là đúng (tức là phải có tai nạng trên thực tế), còn nếu nó được gây ra mà trong hợp đồng bảo hiểm không có thì ks phải bồi thường, chứ chủ xe mà tự làm trầy xe rồi kêu bảo hiểm phải bồi thường là không được vì đây là hành vi cố ý trục lợi." - Quang chia sẻ.
Theo PLO
Sở Hữu Trí Tuệ, Đăng Ký Nhãn Hiệu, Kiểu Dáng, Bằng Sáng Chế, Đăng Ký Logo Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.