Ở đâu trong chuỗi giá trị dệt may
Ở đâu trong chuỗi giá trị dệt may, 40391, Lavender Blog MuaBanNhanh
Đầu tư đón đầu
Chuỗi giá trị ngành dệt may của Việt Nam ước tính tăng trưởng ở mức 13%/năm cho đến năm 2020. Song thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc nhập khẩu. Để giải bài toán này, một số DN dệt may đã có kế hoạch đầu tư vào công nghệ sản xuất và phát triển nguồn nguyên liệu.
Vinatex công bố kế hoạch đầu tư hơn 714 triệu USD nâng cấp và mở rộng chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu của TPP. Trước đó, Vinatex đã ký thỏa thuận 12 triệu USD với Toms Limited của Nhật Bản xây dựng một khu phức hợp dệt, nhuộm - may tại khu vực miền Trung, đồng thời hợp tác với Công ty kinh doanh Itochu đầu tư vào một số dự án nhuộm và nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam.
Cuối năm 2014, Công ty CP Dệt may Thành Công (TMC) đã nhập về 15 máy dệt mới, tăng 30% công suất để sản xuất vải cao cấp phục vụ thị trường Nhật Bản. Để làm đơn hàng xuất sang Mỹ, TMC đã đầu tư nhà máy Vĩnh Long công suất 6 triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn I và sẽ hoạt động từ quý III/2015.
Đáp ứng quy tắc có xuất xứ "từ sợi trở đi" theo tiêu chuẩn TPP, các DN đã chủ động tìm lợi thế thông qua hợp tác với DN nước ngoài để làm dây chuyền sản xuất khép kín từ se sợi đến sản phẩm cuối cùng. Đơn cử như TMC bắt tay với Eland (Hàn Quốc) để tranh thủ vốn, công nghệ và đơn hàng của đối tác, đồng thời tăng lợi thế về quản lý sản xuất và định hướng chiến lược kinh doanh.
Ưu thế để TMC hợp tác với Eland là cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường Hàn Quốc sau hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Thực tế, sau hợp tác, các mảng kinh doanh chính của TMC đều cải thiện đáng kể, riêng mảng sợi cũng không chịu nhiều biến động như trước đây.
Tương tự, năm 2015, Công ty Sản xuất Thương mại may Sài Gòn (GMC) lên kế hoạch tăng số lượng dây chuyền sản xuất của các xí nghiệp may. Cụ thể, Xí nghiệp may Tân Mỹ (Vũng Tàu) tăng từ 20 lên 30 chuyền, Xí nghiệp may Hà Lam (Quảng Nam) tăng từ 7 chuyền lên 15 chuyền.
Bên cạnh đó, GMC cũng tiếp tục kế hoạch phát triển theo hướng thử nghiệm phương thức ODM (tự tìm khách hàng, phát triển mẫu và phát triển nguyên vật liệu) thông qua chi nhánh Sài Gòn Xanh LLC tại Mỹ đồng thời phát triển chi nhánh này để đưa thương hiệu GMC ra nước ngoài.
Theo đánh giá của chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhu cầu về nguyên liệu dệt may hiện nay rất lớn. Các DN đầu tư vào nguyên liệu rất "rộng cửa" về đầu ra.
Đơn cử như Công ty CP Sợi Thế Kỷ là công ty Việt Nam đầu tiên có công nghệ sản xuất xơ sợi dài từ hạt polyester cung cấp cho các thương hiệu Adidas, Columbia, Reebok... nhưng mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu khách hàng hiện hữu. Do đó, nếu các DN khác mở rộng đầu tư vào nguyên liệu, khả năng tăng trưởng sản lượng trong dài hạn là rất lớn.
Cần giải pháp bền vững
Theo ông Paul Hulme, Chủ tịch, Huntsman Textile Effects, tuy dệt may là một trong những ngành xuất khẩu đi đầu của Việt Nam, nhưng về chuỗi giá trị (nguyên liệu, nghiên cứu thiết kế, sản phẩm, marketing và phân phối) vẫn còn nhiều hạn chế.
Thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là lệ thuộc vào nguyên liệu, bên cạnh đó là các quy định về môi trường ngày càng khắt khe hơn. Hiện nay, sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, nhựa cài, chỉ dây, khóa kéo...
Các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu. Nguyên nhân của sự hạn chế này do DN dệt may Việt Nam có vốn ít. Ngay như đơn vị có quy mô vốn lớn nhất của Vinatex là Tổng công ty CP Phong Phú nhưng vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 700 tỷ đồng.
Các DN lớn khác như Việt Tiến có 200 tỷ đồng, May 10 (hơn 100 tỷ đồng), Nhà Bè (150 tỷ đồng)... Với quy mô vốn như vậy không thể đầu tư chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, nhất là khâu nguyên phụ liệu để nhận các đơn hàng ODM. Cũng do hạn chế về vốn nên các DN chủ trương lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực vừa sức và ngại đầu tư vào dệt, nhuộm hoàn tất.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, cho biết: "Trong điều kiện tiềm lực ngành dệt may còn quá nhỏ, Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do, vì thế, cần mở cửa thu hút DN FDI đầu tư vào những khâu còn yếu".
Trên thực tế, một số địa phương như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đã ưu đãi đầu tư cho các ngành công nghiệp sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ nhưng theo Bộ Công Thương, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may còn khá hạn chế. Các công đoạn như dệt, nhuộm, phụ liệu...vẫn chưa thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong điều kiện khó khăn này, ông Paul Hulme chia sẻ, khi phân công chuỗi, các DN nên chọn những khâu có lợi thế nhất để làm, không nên chọn khâu quá sức. Nhiều năm qua, Huntsman Textile Effects đã và đang hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam thông qua nhiều dự án với Panko Vina như chương trình "Cải thiện năng suất (PIP)".
Nhiều DN áp dụng các công nghệ mới từ Huntsman Textile Effects đã tiết kiệm nước và năng lượng. Chương trình đã giúp Panko Vina tối ưu hóa quy trình và cách thức hoạt động, đạt được lợi ích tối đa từ các hệ thống tiên tiến, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. PIP còn hỗ trợ các nhà máy dệt kim trở thành ngành kinh doanh xuất khẩu bền vững.
Cũng theo ông Paul Hulme, trước đây nhiều DN Việt Nam chỉ lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu theo tiêu chí giá rẻ. Hiện nay, do quy định khắt khe hơn về môi trường cũng như nhận thức giá trị phát triển bền vững nên các DN Việt Nam đã quan tâm về môi trường và thay đổi quan niệm về giá cả.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Lavender Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.