Lai lịch chiếc đồng hồ vàng đi vào lịch sử của vua Bảo Đại
Lai lịch chiếc đồng hồ vàng đi vào lịch sử của vua Bảo Đại, 88492, Lê Thu Huyền Blog MuaBanNhanh
Một huyền thoại với những người đam mê Rolex
Đúng như tên gọi, chiếc đồng hồ từng thuộc sở hữu của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam. Reference 6062 được sản xuất vào năm 1952, hiển thị lịch Mặt trăng (Âm lịch), với mặt số màu đen và là mẫu duy nhất trên thế giới được đính kim cương vào những giờ chẵn, theo Hodinkee. Theo ý kiến nhiều chuyên gia về cổ vật, đây cũng là chiếc đồng hồ tinh xảo nhất từng được Rolex chế tạo.
Tạp chí Forbes cho hay, để đính kim cương ở vị trí 12h, một số thứ buộc phải thay đổi. Chẳng hạn như logo vương miện huyền thoại, dòng chữ "Rolex Oyster Perpetual" sẽ phải di chuyển xuống vị trí thấp hơn, và cụm từ "Officially Certified Chronometer" được đặt bên dưới lịch trăng thay vì ở vị trí trung tâm như những chiếc thông thường.
Ngoài ra, Reference 6062 có phần vỏ và dây đeo làm bằng vàng 18k. Phần vỏ còn được trang bị thêm tính năng chống nước đặc biệt mang tên Oyster chỉ có ở những chiếc Rolex hạng sang.
Còn nhớ, phiên đấu giá chiếc đồng hồ “Bảo Đại” đã được tổ chức tại Hôtel La Réserve, Genève (Thụy Sĩ) trong hai ngày cuối tuần 13 và 14/5 năm ngoái. Trước buổi đấu giá, tạp chí Forbes dự đoán giá bán của chiếc đồng hồ "Bảo Đại" sẽ vượt ngưỡng 1,5 triệu đô la Mỹ.
Nguồn tin này khi đó cũng cho rằng chiếc Rolex "Bảo Đại" sẽ trở thành nhân vật chính của buổi đấu giá 7 chiếc đồng hồ Rolex "đắt giá và được săn tìm nhất thế giới".
Thực tế vượt xa kỳ vọng, kết thúc phiên đấu giá, nhà đấu giá đồng hồ hàng đầu Phillips và Bacs & Russo đã thông báo rằng chiếc đồng hồ đã thiết lập kỷ lục thế giới với mức giá cao nhất từng đạt được với một chiếc đồng hồ đeo tay Rolex vào thời điểm đó.
Đã có một “cuộc chiến” kéo dài khoảng 8 phút giữa 10 người có mặt tại khách sạn và 3 người khác trả giá qua điện thoại. Một nhà sưu tập giấu tên đã trở thành chủ sở hữu mới của nó sau khi trả 5.060.427 USD.
Qua đó, chiếc đồng hồ Bảo Đại một lần nữa trở thành chiếc đồng hồ Rolex đắt nhất được bán đấu giá, phá vỡ kỷ lục 2.402.600 đô la của chiếc "4113 Split Seconds Chronograph" được thiết lập trước đó một năm.
Món trang sức của vị vua nổi tiếng chịu chơi
Như đã nhắc tới ở trên, Bảo Đại là vị vua thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam nói chung. Ông sinh năm 1913 với tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Sử viết, Bảo Đại dành phần lớn thời thơ ấu của mình ở Pháp để học hành, và trở về nước chấp chính ở tuổi 18.
Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, Bảo Đại thoái vị, trở thành "công dân Vĩnh Thụy"; sau đó được giữ chức cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 9/1946, Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang thăm Trùng Khánh.
Nhân chuyến đi này, Bảo Đại không trở về nước mà ở lại Hồng Kông, cuối cùng được Pháp đưa về làm Quốc trưởng của chính quyền thân Pháp trong vùng bị tạm chiếm. Nhiều ghi chép nhận định chiếc ghế Quốc trưởng không phải mối quan tâm hàng đầu của Bảo Đại. Từ lâu, ông đã lún sâu trong cuộc sống phù phiếm hưởng lạc, với những canh bạc tối mày tối mặt trong những casino hào nhoáng.
Nhận định về thói ăn chơi của Bảo Đại, nhà báo Merry Bromberger viết: "Muốn gặp Bảo Đại ở Hồng Kông chỉ cần dạo mười bốn hộp đêm trong thành phố, dễ hơn là tìm ông trong một khách sạn Anh”.
Điều này cũng được tác giả Daniel Grandclément khẳng định trong cuốn "Bảo Đại - hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam" (nhà xuất bản Phụ Nữ) như sau: “Bảo Đại đúng như những gì mọi người Việt đã biết về ông: Hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi, máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi...
Ông chỉ không biết làm vua. Ông vua nước Nam cứ quẩn quanh, thậm chí mưu mẹo chỉ để có được từ chiếc xe hơi, máy bay cho đến khẩu súng săn, cuốn album bìa da, thỏa mãn những thú vui vật chất...”.
Mùa xuân năm 1954, khi các phái đoán tham dự hội nghị Genève đang họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương, Bảo Đại đã đi mua sắm. Ông bước ra khỏi khách sạn des Bergues (nay là Four Seasons, nơi diễn ra nhiều cuộc đấu giá nổi tiếng) và đi tới Chronometrie Philippe Beguin, một đại lý Rolex. Yêu cầu của ông đối với nhân viên hết sức đơn giản: Ông muốn mua chiếc Rolex hiếm có và quý giá nhất từng được sản xuất.
Các nhân viên của cửa hàng đưa ra một số mẫu đồng hồ đặc biệt, không chiếc nào trong số đó làm hài lòng vua Bảo Đại. Cuối cùng, nhà bán lẻ đã gọi cho hãng Rolex, được đặt ngay bên ngoài thị trấn, và họ đã bán cho ông chiếc Reference 6062 tuyệt mỹ.
Trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, hội nghị Genève kết thúc vào tháng 7/1954. Hiệp định Genève là văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Năm 1955, Bảo Đại bị phế truất vị trí Quốc trưởng. Ông sống lưu vong ở nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp. Theo VnExpress, vua Bảo Đại giữ chiếc đồng hồ Rolex cho đến khi ông qua đời ở tuổi 85 tại bệnh viện quân y Val-de-Grâce (quận 5, Paris, Pháp).
Một người con trai của ông được thừa kế và cất giữ nó trong một ngân hàng ở Paris. Vị này sau đó đã quyết định bán chiếc đồng hồ đắt giá cho một nhà sưu tầm người Italy vào năm 2002 với giá 235.000 USD. Đây cũng là mức giá cao nhất cho một chiếc Rolex ở thời điểm đó.
Theo đánh giá của chuyên gia đồng hồ Louis Westphalen, chiếc Rolex trở nên đặc biệt bởi chính tình trạng tuyệt vời của nó: "Với nhiều nhà sưu tập, tình trạng của đồng hồ cổ là rất quan trọng, chỉ xếp sau các yếu tố như độ hiếm và lai lịch đặc biệt". Thực may mắn, cả ba yếu tố này đều hội tụ ở đồng hồ của Bảo Đại. Ông Louis cho rằng "không hề có khiếm khuyết nào có thể nhận thấy" dù Bảo Đại đeo đồng hồ thường xuyên. Và bởi vậy, không có gì khó hiểu khi nó đạt được mức giá ngoạn mục.
Tuy nhiên hiện nay, đồng hồ của vua Bảo Đại không còn là chiếc Rolex đắt nhất thế giới nữa. Theo CNN, một người mua đã đồng ý trả 17,8 triệu USD cho chiếc Rolex Daytona từng thuộc về cố diễn viên Paul Newman trong phiên đấu giá cuối tháng 10/2017 của Phillips.
Ban tổ chức từ chối công bố danh tính người mua, nói rằng họ đã trả giá qua điện thoại. Số tiền 17,8 triệu USD đã bao gồm phí đấu giá. Theo nhận định của hãng Phillips đây là “chiếc đồng hồ đeo tay mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20”. Chiếc Rolex này đã lập kỷ lục thế giới mới, cách xa “thành tích” mà chiếc Patek Philippe hiếm đạt được trước đó (11 triệu USD), đồng thời đổ xô kỷ lục của Reference 6062, trở thành chiếc đồng hồ đắt nhất của Rolex từng được đấu giá.
theo Ngân Hà
>> Xem thêm:
Tìm hiểu thương hiệu Daniel Wellington: nguồn gốc và sự phát triển
Những điều làm nên một chiếc đồng hồ đeo tay đáng giá chục tỷ
Tất tần tật những kiến thức cơ bản về đồng hồ đeo tay
Đồng hồ DW Daniel Wellington chính hãng dành riêng cho quý ông
Sản phẩm bán chạy, tiêu điểm của Lê Thu Huyền