Khởi nghiệp Việt Nam: Đi trước nhưng về sau
Khởi nghiệp Việt Nam: Đi trước nhưng về sau, 34788, Hồng Khanh Blog MuaBanNhanh
Có một thực trạng là các mô hình, ứng dụng của Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, đón đầu làn sóng mới của thế giới nhưng thường bị hạ gục bởi các công ty nước ngoài khác. Lấy ví dụ trong thị trường đặt xe taxi: Có khoảng 8 ứng dụng hỗ trợ gọi xe taxi do startup Việt Nam phát triển và chúng được ra mắt từ năm 2010, trong khi đó, 2 app của nước ngoài là Grabtaxi và Easytaxi mới vào Việt Nam từ đầu năm nay lại chiếm được ưu thế lớn, khiến những ứng dụng khác mờ nhạt đi. Trong mảng tìm kiếm, Vinaseek (tiền thân của xalo.vn) ra đời trước khi cả Google được biết đến ở Việt Nam (năm 1997) thế nhưng công cụ này đã nhanh chóng bị đánh bại trong quá trình mở rộng của Google (chính xác là khi Google hỗ trợ tiếng Việt với bảng mã Unicode).
Hay thậm chí có những startups Việt còn chết trước khi các công ty nước ngoài đặt chân tới. Nói về thị trường mạng xã hội các sản phẩm trong nước như Zing Me hay Go.vn chưa thể vượt qua được Facebook.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại như vậy?
Thứ nhất thiếu hụt về vốn.
Không phải có tiền là dẫn được tới thành công, nhưng có tiền thì có thể làm hàng tá thứ để dẫn tới thành công, một trong số đó là marketing. Sản phẩm của bạn có nét tương đồng vơi đối thủ, bạn sẽ cần một chiến dịch marketing hoành tráng để chiếm lòng tin người dùng. Kể cả khi sản phẩm của bạn cực-kì-đặc-biệt, bạn vẫn cần marketing để cho người dùng biết đến cái đặc biệt đó. Và còn hàng tá những chi phí phát sinh khi duy trì sản phẩm nữa, chưa kể gì đến việc phát triển nó.
Thứ hai là do thiếu tầm nhìn, định hướng cho sản phẩm chưa tốt.
Lấy các ứng dụng hỗ trợ đặt xe taxi làm ví dụ, hầu hết những ứng dụng của Việt Nam đều không hỗ trợ tiếng Anh, như vậy những ứng dụng này đã vô tình bỏ lỡ một phần người dùng không nhỏ là những người nước ngoài đi du lịch, vốn rất hay sử dụng taxi. Hay một số ứng dụng như Pingtaxi (Việt Nam) yêu cầu phải có SIM mới truy cập được app, điều này đã khiến cho Pingtaxi mất một lượng khách hàng sử dụng thiết bị di động khác như máy tính bảng.
Thứ ba là thiếu kinh nghiệm triển khai sản phẩm so với các đối thủ nước ngoài.
Những công ty xâm nhập vào Việt Nam hầu hết đều đã thành công với thị trường ban đầu của họ, vậy nên họ có kinh nghiệm triển khai sản phẩm, họ nắm rõ những quy trình, họ đọc vị được người dùng và giảm thiểu được rủi ro, chi phí. Trong khi đó những khởi nghiệp Việt Nam đa số đều còn lạ lẫm với thị trường.
Vậy giải pháp khắc phục vấn đề này thế nào?
Trước tiên là nghiên cứu thị trường và đối thủ kĩ càng trước khi tung ra sản phẩm. Việc này sẽ giúp bạn chọn ra đâu là kênh tiếp thị hiệu quả nhất, đâu là thói quen người dùng,… từ đó sẽ vạch ra được một chiến thuật hợp lí và tiết kiệm nhất để đưa sản phẩm đến với người dùng. Một kế hoạch tốt đáng để bỏ công sức và thời gian để vạch ra.
Người dùng là thượng đế, hãy cho họ cái họ muốn, hãy giải quyết vấn đề của họ theo cách mà họ muốn, không phải cách bạn muốn. Nếu bạn không biết họ muốn gì, hỏi họ! Nếu chính họ cũng không biết mình muốn gì, hãy đưa họ một vài bản mẫu và tìm ra phiên bản tốt nhất, tập trung cải tiến phiên bản đó và tiếp tục để người dùng thử nghiệm.
Đừng theo đuổi tiền khi khởi nghiệp, thay vào đó hãy tập trung phát triển sản phẩm, chú trọng vào thị trường. Hãy theo đuổi người dùng, giải quyết vấn đề của người dùng và tiền sẽ tự tới như một phần thưởng tất yếu.
Những cuộc cạnh tranh với các công ty nước ngoài sẽ ngày càng gay gắt, startup Việt Nam cần linh động thay đổi bản thân để có thể tồn tại được trên chính mảnh đất của mình.
Theo Action
Hồng Khanh Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.