Hàng nhãn riêng của siêu thị ngày càng lấn lướt
Hàng nhãn riêng của siêu thị ngày càng lấn lướt, 43097, Lavender Blog MuaBanNhanh
Chị Hoa, ở quận Bình Thạnh (TP HCM) đi siêu thị thời gian gần đây khá ngạc nhiêu khi nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng mang thương hiệu riêng của siêu thị có giá rẻ hơn 10-50% so với các nhóm hàng cùng loại của doanh nghiệp.
“Mấy tháng nay tôi tiết kiệm được chi tiêu cho việc mua dầu ăn đến 39%. Cùng một lít dầu, hàng siêu thị chỉ là 23.900 đồng, trong khi hàng thương hiệu nổi tiếng tôi hay mua có giá tới 35.900 đồng”, chị Hoa nói.
Chị Thanh ở quận 2 cũng không khỏi bất ngờ khi hầu hết các sản phẩm tiêu dùng nhanh gần đây luôn có hàng nhãn riêng của siêu thị với giá hấp dẫn. “Để kiểm tra chất lượng sản phẩm tôi thường lựa chọn các sản phẩm hàng nhãn riêng giá rẻ của siêu thị về dùng thử. Nếu sản phẩm nào chất lượng, hợp khẩu vị tôi sẽ ưu tiên lựa chọn, và tới nay đã thay thế 3-4 sản phẩm quen thuộc”, chị Thanh cho biết.
Sản phẩm Cola của siêu thị có thiết kế na ná sản phẩm của doanh nghiệp. Ảnh: Thi Hà. |
Khảo sát của VnExpress.net tại các hệ thống siêu thị TP HCM cho thấy nhóm hàng nhãn riêng về thực phẩm, đồ uống, giấy vệ sinh đang được các siêu thị tăng cường đẩy mạnh.
Tại BigC, từ dầu ăn, bột nêm, xà bông cho tới nước trái cây ép của siêu thị được xếp xen kẽ với nhóm hàng của doanh nghiệp và trưng ở khu khá bắt mắt với mức giá ấn tượng. Đáng chú ý hơn, nhiều sản phẩm có nhận diện na ná các thương hiệu của doanh nghiệp.
Cụ thể, tại kệ nước ngọt, nếu không chú ý kỹ người dùng sẽ dễ nhầm lẫn Cola của BigC với CocaCola khi đều được đựng trong trai nhựa lớn, có màu sắc giống nhau. Cola có giá 9.700 đồng, ngược lại CocaCola giá 15.100 đồng cho loại 1,5l.
Nhóm hàng nhãn riêng tại Co.opmart được để ở vị trí khá bắt mắt. Với lợi thế giá rẻ, siêu thị này còn dùng "chiêu" tiếp cận người tiêu dùng thông qua giá khuyến mãi, quà tặng đính kèm. Mỗi khi tổ chức chương trình mua hàng số lượng lớn tặng thêm quà thì hàng nhãn riêng là món đồ không thể thiếu trong chuỗi quà tặng.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Co.opmart cho biết giá sản phẩm riêng của siêu thị luôn đặt mục tiêu thấp hơn các sản phẩm khác 5-30%. "Đến nay chúng tôi có gần 300 mặt hàng mang nhãn hàng riêng với tổng cộng hơn 1.500 mã hàng, chủ yếu tập trung vào nhóm thiết yếu như gia cầm, gạo, trà, bún gạo, nước mắm, nước suối, thực phẩm đông lạnh... đến những đồ dùng trong gia đình là bộ nồi, chảo…", đại diện đơn vị này nói.
Còn phía BigC cũng cho hay họ đang thúc đẩy hàng nhãn riêng phát triển mạnh, đến nay công ty có trên 1.000 mặt hàng. Thời gian tới, số lượng sẽ ngày càng gia tăng.
Dầu ăn thương hiệu Big C chiếm hơn một nửa quầy kệ trong nhóm sản phẩm này. Ảnh: Thi Hà. |
Lý giải vì sao giá hàng nhãn riêng luôn rẻ hơn sản phẩm của doanh nghiệp, hầu hết các siêu thị cho biết do có lợi thế là kênh phân phối nên không mất chi phí quảng bá sản phẩm mà người tiêu dùng vẫn dễ dàng tiếp cận, trong khi toàn bộ sản phẩm đều giao cho doanh nghiệp bên ngoài gia công.
Lãnh đạo Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, có rất nhiều trường hợp vì chạy đua theo giá thành mà sản phẩm hàng nhãn riêng chưa được chú trọng chất lượng. Mặt khác, nếu chất lượng ổn định mà giá thấp hơn sản phẩm của doanh nghiệp tới vài chục phần trăm thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về đơn vị gia công.
Một doanh nghiệp trứng chuyên gia công hàng cho các hệ thống siêu thị tiết lộ, họ từng phải từ chối đơn hàng của một số siêu thị vì yêu cầu giá quá rẻ. "Chúng tôi đã thương thảo để nâng mức giá nhưng hầu hết các siêu thị đều tỏ ra không hài lòng. Thế nên công ty phải bấm bụng và cố gắng tối giảm chi phí sản xuất có thể để cung cấp hàng cho siêu thị. Mặt khác, nếu không nhận làm, siêu thị cũng sẽ giao cho đơn vị khác, nên mình hy sinh chút lợi nhuận cũng là thỏa đáng", lãnh đạo đơn vị này nói.
Một công ty trong lĩnh vực thực phẩm chế biến cho biết họ vẫn sẵn sàng gia công cho siêu thị để tăng doanh thu, nhưng cũng sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng. "Mức giá đặt hàng như thế nào thì chúng tôi gia công theo cách đó. Đặc biệt, thay vì gia công những mặt hàng cao cấp, chúng tôi chỉ nhận các đơn hàng cấp thấp hoặc trung bình của siêu thị. Như vậy, nhóm sản phẩm của chúng tôi sẽ không bị cạnh tranh", lãnh đạo doanh nghiệp này tiết lộ.
Theo các doanh nghiệp gia công, nếu hàng nhãn riêng tương đương giá hoặc thấp hơn sản phẩm cùng loại 5-7% thì chất lượng tương đương. Nếu giá thấp hơn 20-50% đương nhiên chất lượng kém hơn.
Theo báo cáo mới nhất về hàng nhãn riêng toàn cầu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á hiện đã thay đổi quan điểm về mặt hàng này. Có đến 84% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng nhận thức của họ về các thương hiệu riêng đã được cải thiện theo thời gian, đây là mức cao nhất toàn cầu. Trong khi đó, tại Thái Lan là 83%, Philippines 77%, Malaysia 70%, Indonesia 66%...
Báo cáo cũng cho biết, phần lớn người tiêu dùng tại các nước trong khu vực đang dần chuyển sang mua các sản phẩm hàng nhãn riêng và xem đó là một lựa chọn thay thế tốt cho các thương hiệu nổi tiếng.
Theo ông Pete Gale, Trưởng Dịch vụ bán lẻ của Nielsen tại Châu Á Thái Bình Dương, với sự gia tăng nhanh chóng cửa hàng bán lẻ hiện đại, có cả những mô hình dành riêng cho phát triển hàng nhãn riêng thì đây là một lợi thế cho phân khúc này phát triển. Điểm thuận lợi hơn nữa là đa số người mua sắm Đông Nam Á cảm thấy các sản phẩm bán lẻ hàng nhãn riêng của khu vực này có giá tốt, có thể bắt kịp để so sánh với các sản phẩm hàng nhãn riêng tại các thị trường phát triển lâu hơn như Anh, Mỹ và Australia.
"Hiện, có một tỷ lệ lớn người tiêu dùng đang lên danh mục các sản phẩm hàng nhãn riêng mà họ thích và sẽ mua một lần nữa, ngay cả khi giá của nó đắt hơn giá của các sản phẩm thương hiệu. Điều này nhấn mạnh một cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ để điều chỉnh hàng nhãn riêng của họ khác nhau nhằm phục vụ cho thị hiếu địa phương giúp tăng thêm số người dùng thử và xây dựng lòng trung thành theo thời gian”, ông Pete Gale nhấn mạnh
Tại các thị trường phát triển, thị phần của sản phẩm hàng nhãn riêng đang ở mức khoảng 20%, đặc biệt tại châu Âu lên đến 30%, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ mới hơn 3% trên tổng số các mặt hàng kinh doanh tại hệ thống bán lẻ. Theo các đơn vị bán lẻ, nguyên nhân chính khiến thị trường này phát triển chậm là vì nhiều doanh nghiệp chưa thấu hiểu việc hợp tác với siêu thị làm hàng nhãn riêng cùng nhau phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp cho rằng, họ không hề có nhiều lợi ích trong nhóm sản phẩm này, trong khi lợi ích tối đa thuộc về siêu thị và dường như doanh nghiệp đang phải còng mình làm thương hiệu cho siêu thị.
Theo Vnexpress
Lavender Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.