[Điện máy] - Nhưng chú ý khi chọn mua TV LCD
[Điện máy] - Nhưng chú ý khi chọn mua TV LCD, 36069, Hữu Lợi Blog MuaBanNhanh
Nội dung chi tiết
Khi chọn mua TV LCD, bạn hãy quan tâm đến những yếu tố sau:
1.Kiểu dáng
Đa số chúng đều mỏng gọn nên không chiếm không gian bố trí. Bạn còn có thể treo tường khá gọn. Tất nhiên, những sản phẩm cao cấp đắt tiền thì sẽ có thiết kế hấp dẫn hơn như màn hình không viền, vỏ nhôm xước hiện đại hay siêu mỏng…
2.Kích thước
Tùy diện tích phòng và khoảng cách từ người xem tới màn hình mà chọn kích thước phù hợp, đừng quá lớn để tránh phí tiền, mắt không bao quát hết màn hình… và tất nhiên là tốn điện hơn. Khoảng cách từ mắt tới màn hình dưới 2m thì kích thước 26” là phù hợp, từ 2-2,5m là 32-36”, trên 2,5m thì 42”… Kích thước màn hình ở đây được tính bằng đường chéo của màn hình.
3.Độ phân giải
Đã xa rồi những TV CRT độ phân giải 640 dòng quét ngang và 480 dòng quét dọc. TV LCD hiện nay phổ biến nhất là độ phân giải HD (HD Ready, 1366x768) và Full-HD (1920x1080), ngoài ra cũng có vài model có độ phân giải khác như 1280x720 (đúng chuẩn HD 720p). Tuy nhiên, đa số các kênh truyền hình chỉ phát ở độ phân giải 480p nên nếu xem trên TV LCD kích thước và độ phân giải lớn ở khoảng cách gần sẽ bị vỡ hình (phải đặt TV LCD cách mắt với khoảng cách phù hợp). Việc xem phim HD và Full-HD trên màn hình 32” với khoảng cách 2m cũng khó phân biệt nên có thể cân nhắc khi chọn mua. Nhưng, vẫn lưu ý nhỏ rằng với các model mới thì gần như các nhà sản xuất có vẻ như tiến dần đến xu hướng Full-HD nên bạn cũng không cần phải quá bận tâm.
4.Độ tương phản (Contrast Ratio)
Độ tương phản tĩnh được tính bằng tỷ lệ của điểm ảnh sáng nhất và tối nhất xuất hiện tại một thời điểm trong khi mức tương phản động xét trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một yếu tố quan trọng cần lưu ý. Độ tương phản càng lớn thì hình ảnh thể hiện càng sâu, rõ nét và sặc sỡ. Đây là một trong những chỉ số quyết định tính hiện đại và giá tiền của một TV.
5.Thời gian đáp ứng (Response Time)
Đây là thông số về khả năng hiển thị các hình ảnh chuyển động nhanh của TV LCD. Thời gian đáp ứng được tính bằng ms (mili giây), càng nhỏ thì tốc độ đáp ứng càng lớn là càng tốt. Nếu thời gian đáp ứng càng lớn thì sẽ có hiện tượng hình ảnh bị bóng, lờ mờ không rõ nét đặc biệt là khi hiển thị các hình ảnh chuyển động nhanh hay các game tốc độ cao (hay còn gọi là bóng ma). Các TV LCD thông thường có thời gian đáp ứng trung bình khoảng 5ms, các model chất lượng cao thì khoảng 2ms.
6.Góc nhìn (Viewing Angle)
Nó phản ánh chất lượng hình ảnh của TV LCD khi xem từ các bên so với khi xem từ vuông góc chính diện. Đa số TV LCD thường có góc nhìn khoảng 178 độ. Cần lưu ý góc nhìn dọc vì nếu gắn TV LCD lên tường, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, dẫn đến việc bố trí không thẩm mỹ. Chẳng hạn gắn TV lên tường quá cao, bạn sẽ phải cho nó nghiêng về trước một góc bù tương ứng sao cho mắt nhìn vuông góc với màn hình, nếu không hình ảnh sẽ tối hay sai màu.
7.Tần số quét (Refresh Rate)
Hay còn gọi là tần số làm tươi màn hình, được thể hiện qua chỉ số thông thường là 50Hz. Một số lên tới 100–120Hz. Tần số này càng lớn thì hiển thị các cảnh phim hành động, thể thao hay chơi game càng tốt.
8.Các cổng kết nối (Connections)
Tối thiểu ngoài cổng Antenna/Cable để thu tín hiệu truyền hình, TV LCD phải có các cổng S-Video/AV. Ngoài ra, tùy model và công nghệ mà còn có các cổng khác.
- DVI: Cổng kết nối cho chất lượng hình cao, hỗ trợ độ phân giải HD.
- HDMI: Cổng kết nối chất lượng cao, hỗ trợ độ phân giải Full-HD, bao gồm cả tín hiệu âm thanh đa kênh (5.1/7.1), thường dùng cho HD- DVD hay Blu-Ray.
- S-Video/AV: Đưa tín hiệu hình ảnh và âm thanh vào, thường dùng cho đầu phát VCD/DVD.
- Component: Đưa tín hiệu hình ảnh và âm thanh vào, chất lượng hình tốt hơn cổng AV.
- USB: Dùng để xem hình ảnh hoặc video, chơi nhạc được lưu trên thiết bị lưu trữ USB. Nhiều model TV mới có khả năng chơi được video, nhạc, xem hình trực tiếp từ ổ USB FlashDrive qua cổng này.
- PC/VGA/RGB: Kết nối dùng để hiển thị hình ảnh thông qua card màn hình trên PC.
- SPDIF Digital Optical Output: Ngõ quang học dành cho các thiết bị âm thanh kỹ thuật số.
- Audio Out: Lấy tín hiệu âm thanh của TV ra ngoài.
- Video Out: Lấy tín hiệu hình ảnh của TV ra ngoài. Thường thì cổng này và Audio Out dùng để ghi lại chương trình TV thông qua thiết bị gắn ngoài.
- LAN: Kết nối internet, một vài model đời mới (Internet TV) có thêm chức năng kết nối internet sử dụng cổng LAN hoặc kết nối không dây Wi-Fi.
Số lượng các cổng như HDMI, USB, AV In/Out có thể nhiều hơn một.
9.Loa (Speaker)
Tùy kích thước TV mà công suất loa phải tỷ lệ thuận, không rè khi đặt âm lượng lớn. Thường khi xem truyền hình thì mới dùng loa của TV, còn khi xem phim DVD hay HD thì người dùng có xu hướng sử dụng các bộ loa ngoài.
Ngoài các yếu tố kỹ thuật quan trọng trên, bạn còn có thể quan tâm đến công nghệ như TV LED (sử dụng LED nền sáng và tiết kiệm điện năng hơn dùng đèn nền neon), tính tiện dụng (TV càng hiện đại thì càng nhiều chức năng nên phải dễ sử dụng, cả bằng nút bấm trên TV và bộ điều khiển từ xa), các chức năng phụ khác như chia nhỏ màn hình, trình chiếu nhiều khung hình, các chế độ hình ảnh và âm thanh phù hợp nhiều thể loại trình chiếu, giao diện tiếng Việt và bố trí menu chức năng trực quan…
Hữu Lợi Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.