Đến Philippines nhớ thử đi xe Jeepney
Đến Philippines nhớ thử đi xe Jeepney, 42692, Nguyên Khang Blog MuaBanNhanh
Chúng được gọi là Jeepneys—tên gọi có thể bắt nguồn từ cách ghép từ “Jeep” và “Jitney“ (rẻ tiền) hoặc “Jeep” và “Knee” (đầu gối), bởi khi bạn đi trên những chiếc xe này, đầu gối của bạn sẽ bị rúc vào đầu gối của các hành khách khác vì sự chật chội của xe. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng là phương tiện giao thông công cộng chủ yếu ở đây.
Jeepneys còn là một biểu tượng của Philippines—cũng như xe bus hai tầng màu đỏ ở London, xe taxi màu vàng ở New York, xe môtô taxi ở Peru và xe kéo tự động hình con bọ ở Ấn Độ. Thậm chí, một nguyên mẫu của Jeepney còn được trưng bày trong gian hàng Philippines tại hội chợ quốc tế New York năm 1964 như là một biểu tượng đại diện cho quốc gia. Khi Đức Giáo hoàng John Paul II đến thăm Manila vào năm 1981, ngài đã đặt xe Đức Giáo hoàng tại Vatican và đã chọn thay thế bằng một chiếc Jeepney để đi lại.
(Ảnh Wade Shepard, Vagabond Journey)
Phương tiện vận tải đơn giản này đã gắn bó sâu sắc với xã hội hiện đại và lịch sử của người dân Philippines, và bằng nhiều cách, chiếc xe cũng có thể là một ống kính văn hóa. Đó không chỉ là thứ giúp người dân Philippines đi lại mà còn là nét đặc trưng riêng của họ.
Lịch sử Jeepney
Những chiếc jeepney đầu tiên xuất hiện trên đường phố Philippines từ thập niên 1950, ngay sau khi binh lính Mỹ bắt đầu đồng loạt rút quân. Thế chiến thứ II để lại cho mạng lưới giao thông công cộng của Philippines một mớ hỗn độn; quân đội Mỹ đã bỏ lại đằng sau hàng trăm chiếc xe Jeep Willy và Ford cũ mà họ không còn sử dụng nữa. Một loạt các tình huống ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo.
Người dân Philippines cần cù đã lấy những chiếc xe Jeep quân đội cũ kỹ này, mở rộng chúng thêm hai mét hoặc hơn, cải tạo mui che kim loại, đưa vào thêm hai ghế sau, bọc chúng với các màu sắc sặc sỡ, thêm đồ trang trí, mạ một lượng lớn crom và bắt đầu dùng để chuyên chở hành khách. Dường như ngay lập tức, văn hóa Jeepneys được hình thành, và những chiếc xe này bắt đầu trở thành phương tiện thực tế mà người Philippines dùng để đi lại.
(Ảnh Wade Shepard, Vagabond Journey)
Cuối cùng, khi các hình thức vận chuyển trở nên phổ biến hơn và những chiếc xe Jeep nguyên bản bắt đầu trở nên bất tiện, làn sóng thứ hai – Jeepneys nổi lên thay thế. Những chiếc xe này rõ ràng là “được sản xuất tại Philippines”. Các garage ô tô trong nước bắt đầu xuất hiện và Jeepney được chế tạo thủ công. Những bộ phận chính như động cơ, hộp truyền động, v.v.. hầu hết được nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi khung gầm và khung xe được đúc mới hoặc được thu gom từ các bãi phế liệu. Những vật liệu từ nhiều quốc gia, bằng nhiều phương pháp sau đó được kết hợp với các thiết kế khác nhau để tạo ra một thứ mang màu sắc Philipino – đây là cách trực tiếp thể hiện nét đặc trưng văn hóa của người dân nơi đây.
“Có một chút đặc điểm của người Tây Ban Nha và người Mexico ở đây; cách họ kết hợp các màu sắc sống động đem lại cảm giác như lễ hội của người Tây Ban Nha. Có một chút của Mỹ bởi vì nó được tiến hóa từ xe Jeep. Cũng có một chút của Nhật Bản bởi vì động cơ xe là của Nhật, nhưng lại được chế tạo bởi bàn tay của người Philippines…”, trích một bài báo đăng trên BBC.
Cuối cùng, một trong các hộ gia đình đã chế tạo Jeepney thủ công và hoạt động sản xuất của họ nổi lên đứng đầu, trở thành thương hiệu xe nổi tiếng tự bao giờ. Nó được gọi là Sarao và họ vận hành một nhà máy ở phía Nam của vùng đô thị Metro Manila. Công ty bắt đầu hoạt động với số vốn ₱700 vào năm 1953 bởi Leonardo Sarao, người cũng là một tài xế xe ngựa kéo lúc bấy giờ, cuối cùng, công ty trở thành doanh nghiệp có giá trị hàng triệu Đô la. Trong thời kỳ hoàng kim của công ty vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nhà máy có 400 công nhân và xuất xưởng từ 18-20 chiếc Jeepney mỗi ngày. Tất cả đều treo thương hiệu chú ngựa sắt ở trên nóc xe. Có thời điểm, những chiếc Sarao Jeepney chiếm phần lớn thị phần ở Manila với tỷ lệ 7/1.
Ngày nay, có trên 50.000 chiếc Jeepney trên đường phố của Manila, chưa kể đến hàng ngàn chiếc nữa trên khắp đất nước Philippines.
Trải nghiệm trên xe Jeepney
Tôi đứng bên lề đường Magasaysay ở Baguio và chuẩn bị vẫy một chiếc xe Jeepney. Tôi muốn tham quan một trong những gara sửa chữa và sơn mới những “ông vua đường phố” này.
(Ảnh Wade Shepard, Vagabond Journey)
Jeepneys thường chạy theo các tuyến cố định. Chúng tập trung tại các điểm khởi hành đã định trước và đứng xếp hàng lần lượt từng chiếc một. Một người theo dõi tất cả các xe và báo hiệu cho tài xế khởi hành khi đến lượt. Các lái xe sau đó đi theo tuyến đường của họ, đón khách và trả khách trên toàn bộ hành trình. Sau đó, tài xế quay đầu xe và thực hiện giống như vậy nhưng ở chiều ngược lại.
Điều này có nghĩa là, để lên một chuyến xe Jeepney, bạn chỉ đơn giản đứng bắt xe ở một bên đường theo hướng mà bạn muốn đến và báo hiệu xuống xe khi đến điểm đích của bạn trong sơ đồ hành trình. Toàn bộ Jeepney đều có vẽ tuyến đường trên mặt bên dưới của kính chắn gió và ở hai bên xe.
Tôi sớm nhận ra một chiếc Jeepney chạy tuyến đường của mình, vì vậy tôi liền vẫy tay và chiếc xe nhanh chóng đến điểm dừng đỗ. Tôi bước lên xe thông qua cửa mở ở đuôi xe và đi đến hàng ghế ngay phía sau tài xế.
Giá vé cho các tuyến đường được niêm yết trên trang giấy gắn phía sau hàng ghế đầu, như vậy toàn bộ hành khách đều có thể trông thấy. Chi phí được tính dựa trên khoảng cách tuyến đường bạn muốn đi. Giá cước cao nhất hầu như không vượt quá 40 cent Mỹ, và dường như không ai phản đối mức phí này. Di chuyển bằng Jeepney khá rẻ, và đây là một trong những lý do tại sao chúng vẫn rất phổ biến hiện nay.
Tôi gọi tài xế và nói nơi tôi muốn đến – tại giao lộ cách đó khá xa – và hỏi anh về mức phí. Anh nhún vai và nói 12 pesos. Khi tôi đưa các đồng xu, anh đưa một tay ra sau vai trong khi vẫn đang lái xe, nhận tiền và bỏ chúng vào một chiếc đĩa kim loại được hàn trên bảng điều khiển.
Một vài Jeepney có phụ xe, họ trông coi tất cả những thứ của hành khách. Nhưng nhà xe phải trả tiền công và bữa trưa cho họ, vì vậy nhiều tài xế không thấy cần thiết phải mang họ theo. Tổn thất nếu một vài hành khách không trả tiền xe cũng không nhiều bằng chi phí khi thuê một phụ xe chỉ để ngăn chặn điều này. Trong khi có không ít phụ xe tại thành phố Baguio, thì hầu hết các tài xế đều tự làm mọi việc mà không cần họ. Hành khách chỉ phải tự trả cho những tiện ích riêng của họ trên đường đi, chuyền tiền cho người ngồi gần với tài xế nhất, và người này sẽ chuyển nó cho tài xế khi có thể.
(Ảnh Wade Shepard, Vagabond Journey)
Jeepney có thể chở được 18 hành khách trên các băng ghế song song của nó, và nhiều hơn nữa nếu tính cả những người ngồi bên ngoài hoặc ngồi trên nóc xe. Điều này làm cho xe thật chật chội khi đi qua các khu dân cư đông đúc. Cũng giống như vậy, có một luật bất thành văn đối với khách lên xe. Đẩy và xô đẩy, nói lớn tiếng, và gây chú ý thường bị coi là vô ý thức. Người già được nhường ghế nếu không còn ghế trống. Về cơ bản, hãy cư xử đúng mực.
Tại các khu đông đúc thì người Philippines có xu hướng là ngồi lịch sự và yên lặng. Mặc dù không nhất thiết phải là một nơi không thân thiện thì quy tắc ứng xử trong xe Jeepney cũng tương tự như trong thang máy vậy. Để tránh làm phiền những người khác, tính cách nói nhiều thường không được khuyến khích, và hầu hết hành trình, hành khách thường không nói một lời ngoại trừ tiếng la lên “para” khi họ muốn xuống xe. Mặc dù tiếng đập lên nóc xe hoặc tiếng ồn do đồng xu va đập với kim loại vẫn có tác dụng.
Bên ngoài khu giao thông đông đúc trong trung tâm thành phố, các xe jeepney không thực sự có quy định về điểm dừng đỗ. Thay vào đó, họ di chuyển với các khoảng cách cực gần, thường đón hoặc trả khách cứ mỗi đoạn 50-100 m hoặc ngắn hơn, cứ như là di chuyển theo từng inch trên đường vậy…
Nguồn: daikynguyenvn.com
Nguyên Khang Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.