3P – Những điều nhà đầu tư thật sự quan tâm
3P – Những điều nhà đầu tư thật sự quan tâm, 34754, Hồng Khanh Blog MuaBanNhanh
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp vẫn nghĩ là chỉ cần một ý tưởng tuyệt vời là có thể gọi vốn rồi mới xây dựng sản phẩm. Nhưng thực tế là startup bây giờ hiếm khi bắt đầu theo cách đó.
Hầu hết các startup phải trải qua giai đoạn biến ý tưởng thành một sản phẩm hữu hình bằng các nguồn lực có sẵn, các khoản vay, tiền tiết kiệm hoặc những khoản đầu tư nhỏ từ bạn bè, người thân. Sau tất cả những nỗ lực để tồn tại và xây dựng một sản phẩm hữu hình đó, startup mới bắt đầu liên hệ được với các nhà đầu tư bên ngoài.
Nói cách khác, bạn cần xây dựng được một thứ gì đó và chứng minh rằng nó hoạt động trước khi có thể khiến nhà đầu tư tin vào những gì bạn nói. Nhà đầu tư thường sẽ đánh giá một startup dựa trên 3P.
Product (sản phẩm)
Như đã đề cập ở trên, nhà đầu tư chỉ bỏ tiền cho sản phẩm chứ không phải là ý tưởng. Một cách dễ dàng xác định xem bạn có sản phẩm chưa là hãy thử tưởng tượng bạn bị đụng xe vào ngày mai và ra đi bất ngờ thì trong công ty bạn để lại có thứ gì có thể bán được hay không. Nếu câu trả lời là có: Chúc mừng, bạn đã có một sản phẩm. Nếu câu trả lời là không thì hãy tập trung mà xây dựng một thứ gì đó ngay bây giờ.
People (con người)
Sản phẩm không thể hoạt động nếu không có con người. Hãy xem xét trường hợp của các trường đại học lớn chuyên về nghiên cứu: danh mục sở hữu trí tuệ của họ có đầy các sản phẩm tuyệt vời nhưng đa số những phát minh đó lại không đi về đâu bởi vì chẳng có người nào hứng thú để bán chúng ra thị trường. Một sản phẩm không có một đội ngũ quản lý tốt thì cũng không hơn gì một ý tưởng đơn thuần.
Profit (lợi nhuận)
Tiềm năng tạo ra lợi nhuận đáng kể do sản phẩm của bạn mang lại sẽ là một điểm sáng giá trong buổi ra mắt với nhà đầu tư. Những nhà đầu tư thấy được tiềm năng lợi nhuận đó sẽ cân nhắc nó nhiều hơn các yếu tố khác, và khỏa lấp những yếu tố như sản phẩm chưa được hoàn chỉnh và một đội ngũ vô danh.
Các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ tự cân nhắc xem chữ P nào quan trọng hơn tùy vào từng trường hợp startup. Một nhà đầu tư có thể sẵn sàng ủng hộ một startup có sản phẩm năng động dù đội ngũ xây dựng nên nó thiếu kinh nghiệm.
Trong một vài trường hợp, startup đứng đầu bởi một doanh nhân giàu kinh nghiệm và có thể chứng minh được khả năng xây dựng và bán được sản phẩm có thể nhận được đầu tư trước cả khi có sản phẩm.
Cuối cùng là các trường hợp hiếm hoi của các startup (như Google) có nguồn lợi nhuận tiềm năng cực lớn đủ để các nhà đầu tư chờ đợi kiên nhẫn cùng với đội ngũ và quá trình phát triển sản phẩm.
Chìa khóa để thành công là bạn phải nhận thức được vị thế của mình. Có quá nhiều bạn trẻ nghĩ ý tưởng của mình xuất sắc và sẽ nhận được đầu tư một cách dễ dàng mà không nhận ra rằng mình nên dành thời gian để xây dựng sản phẩm hơn là cứ liên tục gọi vốn khi chưa có gì.
Thay vì theo đuổi các mơ mộng viễn vông, hãy tập trung vào việc chứng minh rằng bạn xứng đáng với số tiền nhà đầu tư tương lai sẽ bỏ ra cho bạn.
Theo Action
Hồng Khanh Chưa xác định sản phẩm bán chạy, tiêu điểm.