20 triệu người thế hệ Z Việt Nam sắp tiến vào làm chủ thị trường nhưng với hành vi tiêu dùng khác biệt
20 triệu người thế hệ Z Việt Nam sắp tiến vào làm chủ thị trường nhưng với hành vi tiêu dùng khác biệt, 88555, Huyen Nguyen Blog MuaBanNhanh
Tuy là hai thế hệ gần nhau, nhưng thể hệ Y (sinh từ 1977 - 1995) và thế hệ Z (sinh từ 1996 – 2012) nhưng lại sở hữu hành vi kiểu " hơi ngược đời" cả trong suy nghĩ, lối sống và thói quen tiêu dùng.
Ví dụ nhé, thời học sinh, sinh viên của thế hệ Y, hễ có xu hướng thời trang, hàng công nghệ gì mới từ tận Hàn Quốc, Âu Mỹ thì độ vài tuần sau thế hệ Y đã bắt kịp trend. Nhưng thế hệ Z suy nghĩ khác, họ tự tạo trend theo phong cách của riêng mình, tự tạo nên giá trị bản sắc riêng cho bản thân.
Mà nói đâu xa, list hàng hiệu xa xỉ với vài trăm năm lịch sử, smartphone trái táo đình đám kia, cũng phải chào thua thế hệ Z, họ thích dành tiền đi du lịch, trải nghiệm bản thân. Hàng hiệu đã thế, thì các mặt hàng khác cũng phải dè chừng với thế hệ Z ngay lúc này đi nhé!
CafeBiz có bài chia sẻ: "Cơn stress của toàn dân Sales và Marketing: Hơn 20 triệu người Việt thế hệ Z sắp "làm chủ" thế giới tiêu dùng, họ không thích khoe xe, khoe nhà, mà muốn khoe trải nghiệm, với trí nhớ "cá vàng" 6 giây"
Thế hệ Z (Gen Z) là công dân toàn cầu. Họ không còn chút nào thói quen tiết kiệm, cất vàng để lại cho con cháu, không còn khoe trên Facebook "tôi có căn nhà lớn, 3 chiếc xe hơi" mà thường xuyên khoe họ đã trải nghiệm những gì trên thế giới. Họ không còn định nghĩa phải sở hữu căn nhà ở ngoại ô mới là yếu tố quyết định hạnh phúc của mình. Với Gen Z, giá trị không nằm ở vật chất, giá trị của họ là trải nghiệm…
Ngày hôm nay, nhiều dân Sales và Marketing vẫn nói nhiều về Thế hệ Y (còn gọi là Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000). Nhưng chỉ 5 năm nữa, người làm chủ thế giới tiêu dùng sẽ là Thế hệ Z (Gen Z), ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Tổng Giám Đốc Marketing của Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn MMA Ditital với chủ đề Shape the Future (tạm dịch: Dẫn hướng tương lai) mới đây.
MMA là tên viết tắt của Hiệp hội Mobile Marketing Việt Nam, với tầm nhìn rằng mobile marketing sẽ tương lai của digital marketing (tiếp thị nội dung số). Đây là lần đầu tiên MMA tổ chức Digital Forum tại Hà Nội.
Theo ông Toàn, nếu doanh nghiệp muốn sở hữu một thương hiệu luôn tương thích với người tiêu dùng ngày mai, thì ngay hôm nay, để chuẩn bị cho những bước phát triển mới của doanh nghiệp mình, chúng ta nên nghĩ tới Gen Z.
Theo thống kê, trong 2025, hơn 20 triệu dân Việt Nam sẽ thuộc độ tuổi Gen Z. Và thế hệ này, cả tư duy và hành vi của họ hoàn toàn khác với thế hệ Y trước đó. Đối với họ, thế giới ảo và thế giới thật không còn khoảng cách. Họ trở thành một công dân toàn cầu rất rõ, không còn bị giới hạn bởi văn hóa làng xã.
Chính vì vậy, xu hướng tiêu dùng trong tương lai hoàn toàn được định hình bởi thế hệ này - thế hệ muốn hành động của mình có thể trở thành một phần của sự thay đổi thế giới.
Một trong 5 xu hướng được Phó Tổng Giám Đốc Marketing của Suntory PepsiCo Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch MMA đưa ra là Trải nghiệm.
"Thế giới ngày càng trở nên thừa thãi, người tiêu dùng ngày càng chán ghét sở hữu. Họ không còn nghĩ ngày mai có căn nhà lớn, 3 chiếc xe hơi, hoặc có căn nhà ở ngoại ô trở thành yếu tố quyết định hạnh phúc của mình. Gen Z ngày hôm nay nghĩ rằng tiền tệ không còn là vật chất, tiền tệ là để trải nghiệm".
"Nhìn trên Facebook chúng ta sẽ thấy, nhiều bạn trẻ không còn khoe họ có gì, chỉ người già mới khoe như vậy. Còn người trẻ, càng trẻ bao nhiêu thì thứ họ càng muốn khoe với thế giới là "Tôi đã trải nghiệm điều gì trên thế giới này"", ông Toàn chia sẻ.
Phó Chủ tịch MMA cho biết, ham muốn trải nghiệm của Gen Z cũng là lý do rất nhiều doanh nghiệp đang stress vì cho rằng nhân viên giờ lười quá, làm thì ít mà đi du lịch thì nhiều.
"Những nhân viên thế hệ Z thường không muốn làm việc Thứ Bảy, Chủ Nhật, mà luôn có kế hoạch đi đâu đó. Vì ngày mai định nghĩa hạnh phúc của họ không còn là vật chất, mà định nghĩa hạnh phúc là trải nghiệm", ông Toàn nói.
Gen Z ngày nay muốn cuộc sống của họ phong phú hơn, không muốn giống như cha mẹ chỉ đi làm về rồi tiết kiệm, gửi tiền ngân hàng hay cất giấu vàng để lại cho con cái sau này. Những yếu tố đó không còn là giá trị hay hành vi của Gen Z ngày mai.
Cho nên, trải nghiệm là yếu tố quan trọng cần được tạo ra. Trải nghiệm giúp thương hiệu được chú ý bởi người tiêu dùng, nhất là trong thời đại các bộ óc "cá vàng", với ngập tràn thông tin, chỉ tập trung được trong 6s. Khi lướt những newsfeed trên Facebook, có những thương hiệu chỉ đi qua cuộc đời người tiêu dùng và biến mất trong 6s ngắn ngủi.
"Đừng giữ Brand Awareness như thước đo thương hiệu, sẽ chẳng còn ai để tâm bạn là ai, mà bạn là cái gì trong cuộc đời của tôi mới là việc quan trọng"
Một ví dụ nhỏ để thấy sự khác biệt giữa Gen Y và Gen Z. Khi chúng ta nói đi du lịch, bố mẹ sẽ hình dung là đi lên một chiếc xe khách đi lòng vòng, đến một điểm dừng lại bao lâu, đi lại xung quanh rồi lại lên xe, quay sang chỗ khác, rồi lại dừng lại, tham quan, chụp hình.
Đó là cách du lịch của ngày hôm qua. Còn với thế hệ Z ngày nay, du lịch là trải nghiệm nơi bạn đến một cách trọn vẹn nhất. Bạn sống và tận hưởng từng chút chứ không phải bạn đi du lịch chỉ để check-in.
"Cho nên khi tạo ra sản phẩm mới, cần chú trọng quá trình trải nghiệm. Quá trình trải nghiệm giúp người tiêu dùng ở lâu hơn với thương hiệu của mình, từ đấy xây dựng mối quan hệ. Nhiều người thường bị chú ý bởi Brand Awareness (Độ nhận biết thương hiệu - PV), 5 năm nữa thôi yếu tố này không còn quan trọng nữa".
"Chẳng ai quan tâm bạn là ai, mà bạn như thế nào mới là chuyện quan trọng. Bạn là cái gì trong cuộc đời của tôi mới là việc quan trọng. Cho nên, nên bỏ chữ Brand Awareness ra khỏi thước đo thương hiệu của bạn, nếu không bạn sẽ tốn rất nhiều tiền cho những thứ vô bổ đó", ông Toàn nhìn nhận.
Bên cạnh yếu tố Trải nghiệm, 4 xu hướng tiêu dùng khác được ông Toàn đề cập tới là:
- Tính cá nhân hóa,
- Hoà nhập và kết nối với thế giới xung quanh, muốn một giải pháp nhanh, tiện lợi và luôn on-trend để kết nối giữa thế giới thực và ảo,
- Chấp nhận sự khác biệt,
- Gen Z muốn hành động mua hàng của họ mang đến giá trị rất lớn cho xã hội, lớn hơn so với đồng tiền họ bỏ ra. Họ muốn rằng mỗi hành động của họ có thể thay đổi thế giới.
Với các xu hướng trên trong tương lai, một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ là nếu sáng tạo, tinh tế và đi nhanh, chúng ta có thể chiếm lấy trái tim của người tiêu dùng với chi phí rất nhỏ.
Sản phẩm bán chạy, tiêu điểm của Huyen Nguyen